Kì nhân thiết chỉ Huỳnh Chí Dân

Huỳnh sư phụ rùn người xuống theo thế “lập tấn”, tay trái cầm một tô sành to và dày, thình lình hét lên một tiếng đồng thời ngón trỏ tay phải gõ vào thành tô, một tiếng “cạch” khô khốc vang lên, chiếc tô đã bị vỡ một mảng cỡ 6 cm! Đó là tuyệt đỉnh công phu Thiết chỉ của môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật.

Võ sư Huỳnh Chí Dân (A Mành) sinh năm 1962 tại Chợ Lớn, do thân phụ là người yêu chuộng võ thuật nên khi mới 8 tuổi, cậu bé họ Huỳnh đã được cha gửi qua thọ giáo quyền sư Lai Phát – cao thủ Bạch Hạc phái tại Quần Tân đường (cách nhà 10 m) và Thiếu Lâm Bạch Mi với quyền sư Chu Kim. Luyện võ gần 5 năm thì sự nghiệp võ thuật của ông buộc phải gián đoạn do Quần Tân đường giải thể vào năm 1975. Mãi đến hai năm sau (1977), Huỳnh Chí Dân mới chắp nối trở lại sự nghiệp còn dang dở với quyền sư Đặng Tây (Sấy Bạc, tên Việt là Đặng Văn Thành) – truyền nhân đời thứ 4 Hồng Thắng Thái Lý Phật, cao thủ từng dùng tuyệt kỹ Thiết chỉ khuất phục trùm du đãng vùng Chợ Lớn Tín Mã Nàm tại đền thờ Cao Lôi (chợ Thiếc, Q.11) năm 1971.

ki nhan huynh chi dan thoi trai tre
Kì nhân Huỳnh Chí Dân thời trai trẻ

Từ đó, không chỉ Huỳnh Chí Dân mà cả 9 anh em còn lại của Huỳnh gia trang gồm Chí Cường, Chí Quyền, Chí Thắng, Chí Lợi, Chí An, Chí Hữu, Chí Phúc, Chí Mãng, Chí Đường đều ngày đêm theo Đặng sư phụ rèn luyện võ công. Hồng Thắng Thái Lý Phật gồm Thái gia mã, Lý gia quyền và Phật gia chưởng đúc kết tạo thành, là môn võ cương nhu phối triển, dựa trên nền “trường kiều đại mã” (đòn đánh dài, chân bước rộng), chiêu thức đòn thế vận dụng “kình lực” điểm vào các huyệt quan yếu khiến đối phương tê liệt, rất hữu hiệu trong chiến đấu, nhất là khi đương đầu với số đông địch thủ.

Huỳnh Chí Dân sau đó còn được Đặng sư phụ giới thiệu theo học nội công và chữa trật đả với “đại lực sĩ” Lý Lân Sơn, học nhào lộn cùng huấn luyện viên Mạch Đinh, học Hồng gia quyền với danh sư Đặng Thanh và Huỳnh Kiều, học về xương khớp với người dượng. Nhờ hấp thụ và chịu khó đầu tư nghiên cứu nhiều loại hình phục vụ cho võ thuật như thế nên tuy còn trẻ nhưng bản lĩnh võ công và trình độ y học của Huỳnh Chí Dân đã đạt đến mức thâm hậu, được Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM trao bằng võ sư năm 1992, Bộ Y tế cấp bằng lương y (nội ngoại khoa – trật đả – xương khớp) vào năm 1995.

Năm 1978, quyền sư Đặng Tây sáng lập đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa, ngoài biểu diễn nghệ thuật múa lân, “Thập đại Huỳnh gia mãnh hổ” còn thi triển nội, ngoại, khí công với nhiều tiết mục khiến người xem “lạnh gáy” như dùng tay không chặt dừa, công phá gạch, uốn thanh sắt quấn quanh cổ, dùng ống quyển đập nát cây tre và dừa tươi, nằm ngửa trên bàn chông cho búa tạ đập vỡ chồng đá xanh đặt ở ngực… Trong số những tiết mục, ly kỳ nhất phải kể đến tuyệt kỹ Song chỉ (hai ngón tay) của Huỳnh Chí Dân: dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp quả cau khô, vận kình lực chẻ tét quả cau ra làm đôi, dùng Thiết chỉ (một ngón tay) gõ vỡ tô sành.

Ông Huỳnh Chí Dân kể lại: “Để có thể thi triển nội công Thiết chỉ này một cách thuần thục, mỗi ngày tôi phải luyện ít nhất chục lần. Luyện làm sao để không mắc bất cứ sai sót nào vì ra biểu diễn cho nhiều người xem đòi hỏi sự chân thực, chính xác và hiệu quả. Do vậy từng động tác phải hết sức gọn gàng, có sự phối hợp chặt chẽ, nhất là khi vận dụng giữa ngón trỏ và ngón giữa thì cánh tay phải hết sức thoải mái, tập trung sức mạnh vào đầu ngón tay đã đánh là phải có kết quả cao nhất”.

vo su huynh chi dan va 2 con trai
Võ sư Huỳnh Chí Dân và 2 con trai

Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật hiện được võ sư Huỳnh Chí Dân, Huỳnh Chí Phúc, Huỳnh Chí Mãng cùng HLV Lưu Toàn Đức, Huỳnh Gia Bửu, Huỳnh Gia Lương truyền dạy tại CLB Thể dục thể thao Lệ Chí (7 Hải Thượng Lãn Ông, P.13, Q.5) mỗi tối trong tuần từ 20 đến 21 giờ 30 (trừ chủ nhật). Ngoài việc dạy võ, cao thủ Thiết chỉ Huỳnh Chí Dân còn chữa bệnh phong thấp, trật gân, gãy xương, té tức, phong hàn… theo phương pháp y học cổ truyền tại 844/1 Trần Hưng Đạo, P.7, Q.5 và 104 Tân Khai, P.4, Q.11.

Theo TTO