Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn – Người làm rạng danh Vịnh Xuân tại trời Âu

(VoThuat.vn) – Cuộc đời trải qua không ít thăng trầm, bôn ba nhiều nơi, võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn được biết đến như một trong những người khai phá môn võ Vịnh Xuân không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.

Con đường đưa Vịnh Xuân Quyền vươn ra nước ngoài

Vịnh Xuân Quyền là môn võ có nguồn gốc Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam chủ yếu do công của tôn sư Nguyễn Tế Công – người được đa số các võ sư Vịnh Xuân hiện nay coi là sư tổ của Vịnh Xuân Việt Nam. Từ năm 1939 đến 1954, Sư tổ chủ yếu dạy ở ngoài Bắc với các học trò sau này được nhiều người biết tên như các cố võ sư Trần Văn Phùng, Ngô Sỹ Quí, Vũ Bá Quí, Trần Thúc Tiển, Ngô Phượng Tường, Hồ Hải Long (Nguyễn Duy Hải)…

Cố võ sư Hồ Hải Long (ngồi) cùng võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn.

Sau năm 1954, sư tổ chuyển vào Nam, tiếp tục dạy các học trò như các cố võ sư Nguyễn Bá Khả, Lục Viễn Khai, Đỗ Bá Vinh, Ngô Phượng Tường, Trần Văn Từ… cho đến khi mất vào năm 1959.

Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn

Trong số các học trò đời đầu của cố võ sư Hồ Hải Long, đại đệ tử Huỳnh Ngọc Ẩn là người được biết đến như một bậc thầy Vịnh Xuân, một võ sư kì cựu, người có công truyền dạy và phát triển môn võ này khắp nơi, không chỉ trong nước mà vang danh tại Liên bang Nga và Đông Âu.

Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn theo học Vịnh Xuân từ người thầy Hồ Hải Long. Ông nhanh chóng chứng minh khả năng võ thuật của mình. Những năm 70 của thế kỉ trước ông đã mở lớp để dạy Vịnh Xuân cho công chúng. Với vị võ sư trẻ lúc này, được truyền dạy võ học cho người khác là một điều tuyệt vời. Do tình hình thời bấy giờ còn khó khăn những lớp học của ông chưa có quy mô lớn, chủ yếu dạy theo nhóm nhỏ vài người.

Sau giải phóng, các lớp học của vị võ sư tại số 2 Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM ngày càng thu hút được sự chú ý của nhiều người. Lúc này, võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn muốn quảng bá môn võ Vịnh Xuân Việt Nam rộng rãi hơn, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Năm 1990, ông lên đường sang Liên Xô theo lời mời của nước bạn với mong ước mang môn võ này đến xứ sở bạch dương.

Những ngày đầu sang Liên Xô, vị võ sư chỉ cao 1m55, nặng 49kg, nước da ngăm đen như lạc lõng giữa rừng người tò mò về ông. Người ta tổ chức một cuộc đấu thử cùng ông.

Ban đầu, một võ sư Karate nặng 145kg, cao 1m87 đã từng là nhà vô địch võ thuật nhiều năm ở Liên Xô được đưa ra. Ai cũng nghĩ chàng võ sĩ kia sẽ dễ dàng đánh bại vị võ sư nhỏ bé nhưng không, chưa đầy hai phút, chàng võ sĩ nằm bẹp dưới sàn xin thua vì những đường quyền đầy biến ảo của võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn.

Lại thêm người thứ nhì, cao 1m92, nặng 105kg và từng là nhà vô địch Karate 2 năm liền ở Liên Xô. Sau vài phút đầu, vị võ sĩ kia bị trúng đòn, máu mũi đổ ra, người này lùi lại và xin ngưng trận đấu.

Nhìn thấy nhà vô địch bị đánh bại dễ dàng, nhiều người trầm trồ thán phục và nguyện đi theo võ sư người Việt để tầm sư học đạo. Và thế là những lớp võ đầu tiên của vị võ sư này được lập nên ở Liên bang Xô Viết. Từ đây, ông đã đào tạo nên những võ sĩ ưu tú, theo ông giúp ông phát triển rộng rãi môn võ này.

Một buổi lên lớp tại võ đường của Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn tại Ukraina.

Trải qua nhiều lần bôn ba nữa, võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn đã tạo nên một đế chế Vịnh Xuân của riêng mình ngay trên trời Âu khi ông đã dạy tại 19 nước của Liên Xô và thành lập võ đường Vịnh Xuân Quyền Phái Quốc Tế Đông Âu.

Ông từng trực tiếp huấn luyện các môn sinh lớn, võ sư và huấn luyện viên để các lớp người này truyền bá cho các thế hệ sau. Ông đặt đại bản doanh Liên đoàn Vịnh Xuân Quyền Phái Quốc Tế ở Ukraina để điều hành các liên đoàn quốc tế liên quan đến Vịnh Xuân Quyền Phái của ông tại các nước khác.

Chẳng những mở võ đường, võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn còn mở nhiều buổi hội thảo ngắn ngày (seminar) để dạy võ cho các học viên. Danh tiếng của ông lan rộng khắp nơi ở Nga, Ukraina và các nước khác. Bộ Thể dục Thể thao Nga, Ukraina và các nước công nhận Liên đoàn Vịnh Xuân Quyền Phái Quốc tế Đông Âu đã được Bộ Tư pháp của các nước cho phép ra đời theo pháp luật hiện hành của các nước. Hiện giờ ông là Chủ tịch Liên đoàn Vịnh Xuân Quyền Phái Quốc Tế Đông Âu và vẫn điều hành Liên đoàn ấy cùng các học trò của ông ở nước ngoài.

Tuy nhiên, dòng máu Việt chảy trong người luôn thôi thúc ông hướng về quê cha đất tổ. Năm 2006, Huỳnh Ngọc Ẩn về Việt Nam để chăm sóc mẹ già và ở lại Việt Nam để mở thêm võ đường đào tạo võ sinh. Ông vẫn giữ liên hệ và thường sang chấm thi cho các Liên đoàn của ông ở nước ngoài.

Môn võ đầy nghệ thuật

Bằng niềm đam mê với Vịnh Xuân, võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn tiếp tục mở nhiều lớp dạy võ sau khi về Việt Nam. Theo ông, so với các môn võ khác chú trọng về đối luyện, Vịnh Xuân tuy cũng có đối luyện nhưng điều đó không quan trọng bằng việc rèn luyện sức khỏe, tâm hồn. Ông xem Vịnh Xuân là một môn nghệ thuật đỉnh cao và đã dạy kèm khí công đặc biệt, qua đó người học sẽ cảm nhận dần theo thời gian.

Các lớp võ thuật của võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn chủ yếu dạy về võ công và khí công để giúp người học đạt được sức khỏe cường tráng, một cơ thể mạnh mẽ và đặc biệt là chậm lão hóa. Vì thế, những lớp học của võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn thu hút được rất nhiều người ở độ tuổi trung niên.

Có những vị cao đồ của võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn đã theo ông học võ được hơn 40 năm. Dù tuổi của nhiều người đã cao nhưng nhờ khí công mà cơ thể vẫn tráng kiện, chậm xuất hiện những vết nhăn của tuổi tác. Mỗi đồ đệ của võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn ở Việt Nam dù tuổi không còn trẻ nhưng mỗi sáng có thể hít đất 200 – 300 lần. Quả thật là một con số không nhỏ.

Tuy nhiên, nếu một lần xem qua cách võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn huấn luyện đồ đệ của mình thì điều này là hoàn toàn có thể. Những bài tập bí truyền của vị võ sư dù rất nặng nhưng đó là cách giúp võ sinh giữ được sức khỏe của mình. Những người theo võ sư lâu năm đều cảm nhận Vịnh Xuân tác động tích cực đến cuộc sống.

Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn dù đã gần bước sang tuổi 66 nhưng gương mặt ông vẫn trẻ trung, phần nhiều do khí công mà chậm lão hóa. Mỗi tuần ông vẫn đều đặn đến võ đường để dạy cho võ sinh những tinh hoa của Vịnh Xuân. Ông vẫn đang từng ngày cố gắng để truyền bá môn võ của mình đến với nhiều người hơn. Một vị võ sư tâm huyết, gây ấn tượng người khác bằng vẻ thân thiện, vui vẻ. Nhờ ông mà những nét nghệ thuật trong một môn võ đầy thăng trầm này sẽ được giữ gìn mà phát triển trong tương lai.

Hoài Phương – Anh Thư