Judo tại Olympic Tokyo: Dấu ấn nước chủ nhà

(VoThuat.vn) –   6 ngày thi đấu đầu tiên của môn Judo, Nhật Bản đã thể hiện sự thống trị đáng nể tại Olympic.

6 ngày, 8 huy chương vàng. Hai huy chương vàng mới nhất là ở hạng cân -100kg của Aaron Wolf và -78kg của Shori Hamada. Xét về số huy chương vàng thì đội chủ nhà đã ngang với thành tích tốt nhất của mình tại các kỳ Olympic, là Athens 2004. Riêng đội nam của Nhật, 6 ngày – 5 lần bước lên bục cao nhất, một thành tích mà chính nước này chưa từng đạt được bao giờ. Các vận động viên nam từ quê hương của môn Judo chỉ để “sẩy” duy nhất hạng cân -90kg, Shoichiro Mukai đã thua sớm và không giành được huy chương.

Qua 6 ngày đấu, Nhật đã cho thấy họ hơn hẳn các nước khác về nhiều mặt. Nhật đồng đều cả ở nam lẫn nữ, trong khi những quốc gia nổi bật khác như Georgia thì chỉ mạnh ở nam, còn Pháp thì chủ yếu có thứ hạng cao ở các hạng cân của nữ. Nhật có hệ thống đào tạo quá tốt, lớp sau tiếp nối lớp trước, những nhà vô địch của họ bao gồm cả những tên tuổi dày dạn kinh nghiệm, lẫn các vận động viên trẻ tuổi mới ngoài đôi mươi nhưng đã kịp vài lần vô địch thế giới.

Nhật đã có một quá trình tập luyện chuẩn bị cho Olympic rất hiệu quả, nên từ những ngôi sao được dự đoán trước sẽ chiến thắng như Shohei Ono, Naohisa Takato hay anh em nhà Abe, đến những nhà cựu vô địch, thành tích có phần chững lại trong những năm qua, như Takanori Nagase, Chizuru Arai hay mới nhất là Aaron Wolf, đều có được phong độ cao. Trên tất cả, đội chủ nhà tiếp tục là đại diện siêu cấp của Judo đẹp mắt, Judo kỹ thuật. Và đó chính là điểm cốt yếu đã làm nên kỳ tích cho đội Nhật.

Nhờ kỹ thuật vượt trội, nhất là đòn Ouchi Gari sở trường, mà Aaron Wolf đã trở thành vận động viên Nhật đầu tiên kể từ sau khi huấn luyện viên trưởng của bạn – Kosei Inoue – vô địch Olympic hạng cân -100kg ở Sydney 2000. Và nói về kỹ thuật, không thể không nhắc đến Shori Hamada, người vừa giành huy chương vàng hạng cân -78kg. Đội nữ của Nhật từ lâu đã cho thấy họ rất giỏi về địa chiến – Ne Waza. Tại Olympic Tokyo, cả 3 huy chương vàng nữ của nước này đều có những chiến thắng mang tính quyết định nhờ nhóm đòn đè – khóa – siết, như Uta Abe thắng ở chung kết trước Amandine Buchard, hay Chizuru Arai thắng trong trận bán kết gần 17 phút với Madina Taimazova. Nhưng có thể nói, giữa những hảo thủ Ne Waza của đội nữ Nhật, Hamada xuất sắc nhất. Ne Waza của Hamada lợi hại, cực kỳ lợi hại.

Madeleine Malonga được người Pháp đặt nhiều hy vọng sẽ mang về chiếc huy chương vàng thứ hai, sau Clarisse Agbegnenou. Niềm hy vọng của Pháp là có cơ sở. Malonga vô địch thế giới năm 2019. Sau một năm nghỉ dịch, những giải đấu diễn ra vào đầu năm nay, cô gái 28 tuổi, cao 1m8 này đều có thành tích rất ổn định. Quan trọng hơn, ở giải thế giới 2019 cũng tại Tokyo, Malonga đã thắng Hamada ở chung kết để giành huy chương vàng. Ở trận này, Malonga đã tận dụng tốt chiều cao của mình để tung các đòn chân sở trường, đồng thời hạn chế được các pha Ne Waza, nhưng cũng suýt bị đối thủ thực hiện đòn Juji Gatame. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, ở trận chung kết nội dung đồng đội giữa Pháp và Nhật, Malonga gặp lại Hamada và lần này đã để thua bằng đòn đè. Lời cảnh cáo cho Malonga và cả ban huấn luyện đội Pháp.

Để chuẩn bị cho Olympic Tokyo, chắc chắn Malonga và các huấn luyện viên của bạn đã cố gắng tìm lời giải cho bài toán hóc búa Ne Waza của đối thủ người Nhật. Nhưng ngay từ trận đấu đầu tiên, Hamada cho thấy bạn đã… nâng cấp vũ khí chủ lực của mình. Sau khi kết thúc ngày đấu, nhà vô địch người Nhật cũng cho biết rằng để đối phó với Malonga, bạn đã luyện Ne Waza rất nhiều.

Lần lượt từng đối thủ đã bị Hamada thắng rất dễ dàng, lúc thì đòn đè, khi thì siết cổ, đương kim vô địch thế giới người Đức Anna-Maria Wagner thì bị bẻ tay Juji Gatame ở bán kết. Malonga cũng không ngoại lệ. Ở trận chung kết, trọng tài vừa Hajime, vận động viên người Pháp đã nắm áo rất cao và tấn công nhanh chóng, có lẽ muốn giành thế chủ động ở đòn đứng. Và ngay ở lần tấn công đầu tiên ấy, khi Malonga không ghi được điểm, muốn đứng lên để tiếp tục trận đấu thì Hamada đã kéo đối thủ xuống đất. Dù Malonga đã cố gắng thủ nhưng bị Hamada khéo léo lật ngang, vào đòn đè. Trận đấu kết thúc chóng vánh. Vậy là Malonga lại phải hẹn Hamada đến Paris 2024. Trong vòng 3 năm, nếu muốn bước lên bục nhất, bạn và ban huấn luyện sẽ phải dành rất nhiều thời gian để giải tiếp bài toán đã khó, nay còn được “nâng cấp”. Pháp có nhiều võ sư cực kỳ giỏi về Ne Waza nên mình nghĩ, nếu chuyên tâm, Malonga sẽ làm được.

Pháp vô được 4 trận chung kết, mà có đến 3 lần phải… hẹn lại vào Paris 2024. Hôm nay, “tượng đài” 10 lần vô địch thế giới Teddy Riner của Pháp xuất trận ở hạng cân +100kg, với mục tiêu san bằng kỷ lục 3 lần vô địch Olympic của Tadahiro Nomura. Hạng cân +78kg thì cô gái trẻ Romane Dicko đang có phong độ rất tốt.

Lan Chi