Rắn là loài vật có mối “quan hệ gần gũi” với con người từ thời khai thiên lập địa. Theo sách Sáng thế ký của đạo Thiên Chúa, rắn “quỷ quyệt hơn mọi con thú trên cánh đồng”. Nó xúi giục người nữ nếm trái cấm rồi đưa cho người nam ăn. Với sai phạm này, vợ chồng Adam-Eva – thủy tổ loài người – bị Đức Chúa trời đuổi ra khỏi vườn địa đàng còn rắn cũng bị phạt phải đi bằng bụng và ăn bụi suốt đời. Và kể từ đó, rắn là một trong những đề tài hấp dẫn trong truyền thuyết dân gian lẫn y học, văn chương, lịch sử ở nhiều nước,… Và ở nước ta, chắc chắn nhiều người không thể quên được truyện Rắn già rắn lột trong kho tàng kho tàng cổ tích Việt Nam.     

Rắn ở Đồng Tâm - Long An
Rắn ở Đồng Tâm – Long An

Gậy thần Y thuật

Theo khoa học, rắn (loài rắn lớn gọi là trăn) là động vật máu lạnh, bò sát – cùng lớp với các loài có vảy như thằn lằn, tắc kè – nhưng không có chân. Da rắn được phủ kín vảy. Hầu hết các loài rắn di chuyển dựa vào lớp vảy này. Da rắn khá nhẵn hoặc có hạt. Rắn lột da để lớn theo theo chu kỳ. Sự tái sinh này biểu hiện cho quá trình hồi phục, chính vì thế hình ảnh con rắn quấn chung quanh cây gậy (Gậy của thần Y thuật – Rod of Asclepius) là biều tượng của y học hiện đại.

Gậy thần Y thuật
Gậy thần Y thuật

Quan niệm này cũng phù hợp với Y học phương Đông – tuy rắn có nọc độc nhưng có thể dùng nó để chữa trị một số bệnh. Ở nước ta, trại rắn Đồng Tâm được hình thành cách thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khoảng 9km, Với diện tích khoảng 30ha, đây là trung tâm nuôi khoảng 400 loài rắn, lấy nọc xuất khẩu, kết hợp trồng cây dược liệu và nghiên cứu điều trị rắn cắn cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long. Trước đại dịch COVID 19, hằng năm có khoảng 30 – 40 ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan nơi đây.

Oan khuất Lệ Chi viên!

Nhắc đến loài rắn, trong lịch sử Việt Nam còn lưu truyền giai thoại Án Lệ Chi viên. Giai thoại nói rằng, lúc cha Nguyễn Trãi (có bản ghi Nguyễn Phi Khanh) còn dạy học có dự định cho học trò phát hoang khu vườn, đến đêm nằm mơ thấy một người đàn bà dẫn bầy con dại tới xin ông cho thư thả ít hôm mới dọn nhà vì con mọn. Sáng hôm sau, khi học trò của ông đập chết một bầy rắn khi phát cỏ vườn nhà, ông mới hiểu ý nghĩa giấc mơ. Ông than thở, cho chôn bầy rắn và cho học trò biết là loài rắn thường hay thù dai, thế nào cũng trả thù ông. Đêm đó, lúc ông đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà nhỏ một giọt máu thấm vào chữ “đại” (“đời”) qua ba lớp giấy ứng với việc gia tộc ông bị hại đến ba đời.

Ảnh minh họa: Rằn đã hóa thân thành người đàn bà cùng bầy con dại đến van xin trong giấc mơ của Nguyễn Trãi.
Ảnh minh họa: Rằn đã hóa thân thành người đàn bà cùng bầy con dại đến van xin trong giấc mơ của Nguyễn Trãi.

 

Vào năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương. Khi về đến Lệ Chi viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ – người thiếp xinh đẹp và có tài văn chương của Nguyễn Trãi – rồi băng hà. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc. Đến năm Giáp Thân (1464), vua Lê Thánh Tông mới rửa oan cho Nguyễn Trãi. Giai thoại trên chẳng qua nhằm che lấp âm mưu tranh giành ngôi Thái tử mà Nguyễn Trãi đã bị hại.

Nữ hoàng Ai cập Cleopatra tự tử bằng cách cho rắn cắn?

Cleopatra là một Nữ hoàng của Ai Cập cổ đại, tên thật là Cleopatra Philopator, sinh tháng 1, năm 69 trước Công nguyên. Người ta còn biết người đàn bà đẹp này như một nhà ngoại giao thiên bẩm, nhà toán học, hóa học, triết học, thiên tài ngoại ngữ (biết 9 ngoại ngữ ?). Bà là một Nữ hoàng có được tất cả những gì mình muốn – tình yêu, quyền lực, sự giàu sang và uy tín, nhưng cái chết của bà cũng có liên quan đến loài rắn.

Ảnh minh họa: Nữ hoàng Ai cập Cleopatra tự tử bằng cách cho rắn cắn.
Ảnh minh họa: Nữ hoàng Ai cập Cleopatra tự tử bằng cách cho rắn cắn.

Theo một vài giai thoại, bà bị một con rắn mào gà cắn cùng với hai người hầu. Và nhiều người tin rằng bà đã chủ tâm để rắn cắn, vì người Ai Cập tin rằng, chết vì rắn cắn có thể trở nên bất tử. Đại văn hào người Anh Shakespeare viết trong cuốn sách Antony và Cleopatra cũng cho rằng, Cleopatra chết do bị một con rắn mào gà cắn, con rắn này được lén mang vào phòng ngủ của bà trong một chiếc giỏ có đựng hoa quả. Nhưng theo nhiều tài liệu thì loài rắn đó không có ở Ai Cập thời đó nên các nhà khoa học suy đoán, đây có thể là một con rắn hổ mang, loài rắn phổ biến ở Ai Cập. Mới đây, theo phát hiện được công bố ngày 2-7-2010 của giáo sư sử học Christoph Schaefer: “Người phụ nữ quyền lực nhất thời kỳ cổ đại này đã tự tử bằng cách cho rắn hổ mang cắn”. Ông đã nghiên cứu các bản viết tay cổ xưa và tham khảo các chuyên gia chất độc để củng cố cho lập luận của mình.

Võ rắn

Từ ngàn xưa, trong quá trình sáng tác nên các thế võ, qua quan sát, các bậc tiền bối đã vận dụng rất nhiều kỷ năng vận động, chiến đấu và tự vệ của loài vật vào võ thuật. Năm loài vật được thường nhắc đến trong võ thuật là long, hổ, xà, hạc, báo và được gọi chung là Ngũ hình quyền.

Một thế phản công của Xà quyền (Võ cổ truyền Việt Nam)
Một thế phản công của Xà quyền (Võ cổ truyền Việt Nam)

Do thiếu tay chân, rắn phải vặn bẻ toàn thân khi cử động. Để bổ khuyết những thiếu sót này, rắn tập trung và phát triển khí lực bằng cách cuộn mình lại. Khi cần chiến đấu, nó phóng thẳng thật nhanh đến đối thủ. Cách di chuyển, các thế tấn công đối thủ được các tiền bối tập hợp trong Xà quyền hay còn gọi là Xà hình quyền. Nhiều bộ phim về Xà quyền được dàn dựng công phu đã mang lại sự thích thú và phút giây sảng khoái cho người xem như: Miêu xà quyền, Xà quyền, Xà quyền diệt độc ưng, Xà hạc bát bộ quyền…

Trong Vĩnh Xuân Nội gia, Xà quyền được xem là bài quyền quan trọng nhất trong Ngũ hình quyền, vì nó chứa đựng trong đó bản chất quyền thuật của võ phái này: “…Xà quyền không có đòn thế đối lực, lấy sở trường là sự luồn lách, tinh nhanh, chính xác, và dựa trên nguyên tắc “bốn lạng bạt ngàn cân” khi so tài cùng đối thủ. Trong Thể dục dưỡng sinh, bài Xà quyền được dùng để luyện cột sống và giải tỏa stress…

Thành Long trong phim Xà Quyền Diệt Độc Ưng.
Thành Long trong phim Xà Quyền Diệt Độc Ưng.

Theo sách Võ thuật thần kỳ, xà quyền đã xuất hiện trong Thiếu Lâm, Nam quyền thời Nhà Minh. Kỹ pháp xà quyền có nhiều điểm cần chú ý như: trong nhu có cương, trong tĩnh có động, thân linh (động), bộ hoạt (bát), mắt sắc tay nhanh. Khi chiến đấu, thân phải lắc lư, bộ phải chuyển, bước vòng vèo, dùng chỉ (ngón tay) thọc hầu (cổ họng), mổ đỉnh nhanh mà thật chuẩn xác…

Hoặc theo võ sư Trương Văn Bảo (Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam), trong sách Miền Đất Võ có bài Thanh xà quyền với các thế: Thanh xà xuất động, tả mã tung phong; Cường long xuất hải, tấn đả song khai; Ngọc trản ngân đài, hắc ngưu khai giác; Hồi mã tướng quân, chuyển thân nghinh cước.

***

Lan man về con rắn trong những ngày đầu năm Dương lịch, bỗng nhớ đến một câu chuyện thú vị đã đọc được cách nay khá lâu trong quyển Chấp nhận cuộc đời. Đại khái chuyện kể rằng có một người đàn ông đi qua một khu khu rừng và bị một con trăn rượt đuổi đến mệt nhoài. May sao người đàn ông này gặp được một đạo sĩ ngồi bên gốc cây. Nghe người đàn ông kể lại chuyện bọ trăn rượt điổi, người đạo sĩ liền bảo “Ngươi hãy nằm xuống và uốn éo di chuyển như nó thì nó sẽ không rượt đuổi ngươi nữa”. Nhờ thực hiện đúng như lời đạo sĩ mà đàn ông an toàn đi ra khỏi khu rừng. Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về câu chuyện trên, nhưng phải chăng “sống thì phải tùy duyên, phải thức thời”.

THIỆN TÂM (tổng hợp)

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link